Mục tiêu của bài viết là giúp cho người đọc có thể nắm được tổng quan thực tế tại Việt Nam về (1) Vai trò và tầm quan trọng của Bộ phận Ngân hàng đầu tư (2) Các nghiệp vụ chính được triển khai tại Bộ phận Ngân hàng đầu tư (3) Lộ trình thăng tiến trong Bộ phận Ngân hàng đầu tư (4) Thu nhập tương ứng với các vị trí khác nhau.
I. VAI TRÒ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ
Trước tiên, khi nghe đến cái tên "Ngân Hàng Đầu Tư", hầu hết mọi người sẽ liên tưởng đến "Ngân Hàng Thương Mại" và thắc mắc sự khác biệt giữa 2 loại hình ngân hàng này là thế nào?
Ngân Hàng Thương Mại là nghiệp vụ có lịch sử lâu đời và được triển khai trước nghiệp vụ Ngân hàng đầu tư. Đây là hình thức mà những người có nguồn tiền nhàn rỗi có thể gửi tiền vào Ngân Hàng để các các Ngân Hàng đại diện cho những người gửi tiền cho những người có nhu cầu thực hiện vay tiền. Với nguồn lực lớn của mình, các ngân hàng này có thể tìm kiếm các cơ hội cho vay, đánh giá mức độ rủi ro bởi các chuyên gia và thực hiện quản trị rủi ro của các khoản cho vay để đảm bảo khả năng không mất vốn. Khi cho vay, thì các Ngân hàng này sẽ thu về một khoản phí được gọi là "lãi suất cho vay" từ những người vay tiền, và đây chính là nguồn doanh thu chính của các Ngân hàng. Ngân hàng sẽ trả cho những người gửi tiền một khoản thu nhập được gọi là "lãi suất tiền gửi" vì đã cho vay vốn của họ thông qua Ngân hàng. Các Ngân hàng này giữ lại một khoản chênh lệch sau khi chi trả lãi suất tiền gửi cho người gửi tiền, khoản chênh lệch này được gọi là biên độ lãi ròng ("NIM"), đây chính là doanh thu giữ lại của Ngân hàng.
Chính vì hầu hết lượng tiền mà Ngân Hàng sử dụng để cho vay đều được huy động từ người dân trong xã hội, do đó toàn bộ hoạt động của Ngân Hàng đều được quản lý bởi tất cả Chính Phủ của các nước trên thế giới để tránh việc lạm dụng tiền gửi và hoạt động cho vay rủi ro cao sẽ để lại hậu quả lớn cho xã hội. Như vậy, có thể thấy, hoạt động của Ngân Hàng thương mại là nghiệp vụ được yêu cầu quản trị rủi ro rất cao và bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật của Ngân hàng nhà nước. Theo đó, những đầu tư mang tính rủi ro cao sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng thương mại. Vậy, những dự án rủi ro này sẽ huy động vốn từ đâu?
Đây chính là vai trò của Bộ phận Ngân hàng đầu tư (Investment Banking Department - IBD). Các bộ phận Ngân hàng đầu tư được thành lập với mục đích để kết nối giữa các nhà đầu tư với các dự án có độ rủi ro cao, giúp các chủ đầu tư của các dự án này có thể huy động được đủ nguồn vốn để thực hiện dự án. Như vậy, có thể thấy Ngân hàng đầu tư và Ngân hàng thương mại phục vụ cho 2 đối tượng nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro khác nhau. Ngoài ra, các Ngân hàng đầu tư không thể thực hiện nghiệp vụ nhận "tiền gửi" như các Ngân hàng thương mại, mà thay vào đó để huy động tài chính cho các dự án thì các Ngân Hàng Đầu Tư thường phải tìm kiếm các nhà đầu tư thông qua mạng lưới của mình. Hiện nay các nghiệp vụ Ngân hàng đầu tư của Việt Nam chủ yếu được triển khai tại các công ty chứng khoán và chịu sự quản lý của Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN).
Có thể thấy, vai trò của IBD được thể hiện qua việc là cầu nối giữa các nhà đầu tư và chủ các dự án đầu tư có mức độ rủi ro cao. Vậy để thực hiện vai trò thu xếp vốn thì các Ngân hàng đầu tư sẽ triển khai các nghiệp vụ gì?
II. CÁC NGHIỆP VỤ CHÍNH TRIỂN KHAI TẠI BỘ PHẦN NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ
Các nghiệp vụ của Ngân hàng đầu tư cụ thể bao gồm như sau:
Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO): Đây là nghiệp vụ cơ bản được triển khai ở hầu hết tất cả các Ngân hàng đầu tư trên thế giới. Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về các tiêu chí tài chính, quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin từ UBCK Nhà Nước. Mục đích của các yêu cầu này là để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Theo đó, khi các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí này sẽ phần nào cho thấy phần nào chất lượng của công ty, ngoài ra việc cổ phiếu được niêm yết sẽ khiến cho việc mua bán cổ phiếu trở nên dễ dàng và qua đó dễ thu hút vốn từ các nhà đầu tư để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nhiệm vụ chính của các Ngân hàng đầu tư đó là tư vấn cho các doanh nghiệp để làm hồ sơ đủ điều kiện phát hành ra công chúng và giúp doanh nghiệp huy động vốn thông qua việc IPO bằng hình thức bảo lãnh phát hành chứng khoán để huy động vốn cho doanh nghiệp.
Phát hành riêng lẻ (Private Placement): Đây cũng là nghiệp vụ được triển khai tại hầu hết các Ngân hàng đầu tư, nghiệp vụ này cũng giúp cho các công ty có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tùy theo loại hình doanh nghiệp là đại chúng hoặc chưa đại chúng, mà các loại đầu tư được phép huy động sẽ khác nhau. Cụ thể, đối với công ty đại chúng thì chỉ được phép phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, các công ty chưa đại chúng thì được phép phát hành để huy động các nhà đầu tư (không bị hạn chế phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc chiến lược) với số lượng không được vượt quá 100 nhà đầu tư và không được quảng bá trên các phương tiện truyền thông (Tham khảo thêm tại Luật chứng khoán 2019 và Luật doanh nghiệp 2020)
Tư vấn tài chính (Financial Advisory): Bên cạnh 2 nghiệp vụ phổ biến trên, các Ngân hàng đầu tư còn cung cấp các dịch vụ khác như Mua Bán Sáp Nhập (M&A). Nghiệp này này giúp cho các doanh nghiệp có thể tìm kiếm giải pháp tăng trưởng trong tương lai bằng cách thâu tóm đối thủ để gia tăng thị phần hoặc thâu tóm các công ty trong chuỗi giá trị để nâng cao vị thế cạnh tranh. Chi tiết về nghiệp vụ tư vấn M&A sẽ được tác giả phân tích ở một bài viết khác.
III. LỘ TRÌNH THĂNG TIẾN TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ
Giống như hầu hết các loại hình công ty dịch vụ tư vấn khác, để đạt vị trí cao nhất của bộ phận Ngân hàng đầu tư thì ngoài kỹ năng chuyên môn, thì kỹ năng bán hàng mang doanh thu về cho công ty được xem là quan trọng hơn cả.
Thông thường, bộ phận Ngân hàng đầu tư khi phát triển ở quy mô đủ lớn sẽ được chia ra làm ba bộ phận chính (1) Bộ phận Niêm yết chứng khoán (2) Bộ phận Tư vấn tài chính, M&A Advisory (3) Bộ phận Thị trường vốn, Capital Market Advisory. Lộ trình thăng tiến sẽ có sự khác nhau giữa các Bộ phận, tuy vậy có thể tổng quát lộ trình chung như sau:
Chuyên viên (Associate): Thường yêu cầu các ứng viên có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành về Luật kinh tế hoặc kế toán, tài chính. Công việc chủ yếu đó là hỗ trợ các chuyên viên cao cấp chuẩn bị các tài liệu. Cụ thể đối với từng bộ phận như sau:
Đối với Bộ phận niêm yết chứng khoán: Thực hiện nghiệp vụ chuẩn bị hồ sơ cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm các hồ sơ liên quan đến phát hành lần đầu (IPO) và phát hành thêm ra công chúng, phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành ESOP... Đối với các Công ty chứng khoán (CTCK) có vốn điều lệ và thị phần môi giới lớn, có thể triển khai nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, đây là nghiệp vụ cốt lõi của các Ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới. Trong khi đó, các CTCK vừa và nhỏ thì nghiệp vụ chủ yếu chỉ dừng lại ở tư vấn hồ sơ niêm yết.
Đối với Bộ phận tư vấn tài chính (M&A Advisory): Thực hiện nghiệp vụ tư vấn tài chính và mua bán sáp nhập, bao gồm chuẩn bị Teaser, Information Memorandum, Financial Modeling và các tài liệu marketing khác.
Đối với Bộ phận thị trường vốn (Capital Market Advisory): Thực hiện nghiệp vụ phát hành riêng lẻ bao gồm các công việc liên quan đến chuẩn bị Teaser, Offering Memorandum, Financial Projection và các tài liệu khác.
Chuyên viên cao cấp (Senior Associate): Các chuyên viên làm ít nhất 2 năm đến 5 năm tại tổ chức, được thăng cấp từ chuyên viên hoặc được tuyển dụng bên ngoài tổ chức. Các chuyên viên này là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các nghiệp vụ và hướng dẫn các chuyên viên thấp hơn để cùng thực hiện các nghiệp vụ.
Phó Phòng/Bộ Phận (Assistant Manager/Associate Director): Ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc tại tổ chức, được thăng tiến lên từ vị trí chuyên viên cao cấp, việc tuyển dụng bên ngoài thường không phải là phương án được ưu tiên. Nhiệm vụ chính là quản lý các công việc của các chuyên viên cao cấp trước khi chuyển sang cho Khách hàng và đồng thời hỗ trợ cấp Trưởng bộ phận thực hiện tương tác với khách hàng.
Trưởng Phòng/Bộ Phận (Head of Department/Director): Vị trí này được thăng cấp từ cấp Phó Phòng/Bộ Phận với ít nhất 7 năm kinh nghiệm. Đây là cấp cao nhất với các công việc chính đó là (1) Phát triển mới và quản lý mối quan hệ với khách hàng hiện tại (2) Là đầu mối chính thực hiện nhiệm vụ chuyển giao dịch vụ cho khách hàng ở cấp cao nhất và quan hệ với cơ quan ban ngành như UBCK, Sở giao dịch chứng khoán (3) Chịu trách nhiệm chính cho P&L của bộ phận của mình hàng năm theo chỉ tiêu của công ty được giao hàng năm.
IV. THU NHẬP CỦA CÁC VỊ TRÍ
Thu nhập các vị trí sẽ dao động theo từng bộ phận và từng công ty, theo đó thu nhập ở đây chỉ mang tính tham khảo (thu nhập bình quân Net chưa bao gồm lương thưởng, phụ cấp)
Chuyên viên: 12-18 tr/tháng
Chuyên viên cao cấp: 18-30 tr/tháng
Phó Phòng/Bộ Phận: 30-50 tr/tháng
Trưởng Phòng/Bộ Phận: 50-80 tr/tháng
Mức thu nhập trên chưa bao gồm các khoản thưởng nếu như vượt được KPI của bộ phận. Đối với bộ phận Ngân hàng đầu tư, thì thu nhập chính yếu sẽ đến từ các khoản thưởng này. Do vậy, việc triển khai và hoàn thành dịch vụ xuất sắc cho khách hàng được xem là yếu tố chính ảnh hưởng đến thu nhập của các Investment Bankers.
Nếu các bạn thấy bài viết của tác giả trên Blog Trên Đỉnh Phố Wall hữu ích, vui lòng để lại một like, share và comment. Điều này sẽ khuyến khích tác giả viết thêm những bài viết về M&A và Đầu tư trong thời gian sắp tới. Vui lòng đăng ký email bên dưới website để cập nhật những bài viết mới nhất của tác giả về các thương vụ M&A sắp tới.
Author (Tác giả)
Huỳnh Nhật Trình
Founder, Blog Trên Đỉnh Phố Wall
Thông tin tác giả xem thêm tại đây
Comments