top of page
Ảnh của tác giảHuynh Nhat Trinh

Sau hơn 12 năm nắm giữ, Eland lãi 52%/năm khi đầu tư vào TCM

Đã cập nhật: 26 thg 2, 2023

E-Land Asia Holding Singapore thực hiện thâu tóm TCM vào năm 2009, sau hơn 12 năm nắm giữ E-Land hiện đang có mức lợi nhuận kép 52%/năm tính đến thời điểm 04/02/2021. Kết quả này đến từ việc mạnh tay thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi đội ngũ lãnh đạo, kết hợp với đơn hàng ổn định từ tập đoàn bán lẻ E-Land Group Hàn Quốc đã giúp cho TCM đã và đang là một con gà đẻ trứng vàng cho E-Land và các cổ đông.


TCM có gì hấp dẫn vào trước thời điểm E-Land thâu tóm?


Trước thời điểm 2009, TCM đã là một công ty lâu đời với hơn 40 năm lịch sử hoạt động, tiền thân là Hãng Tái Thành Kỹ, được thành lập năm 1967. Tháng 08/1976 được chuyển thành Xí nghiệp quốc doanh với tên gọi Nhà máy Dệt Tái Thành, sau đó lần lượt được đổi tên thành Nhà máy Dệt Thành Công, Công ty Dệt Thành Công và đến năm 2000 là Công Ty Dệt May Thành Công. Tháng 07/2006, công ty thực hiện cổ phần hóa để chuyển đổi hình thức hoạt động thành Công ty Cổ phần Dệt May Thành Công với 7 cổ đông sáng lập, trong đó vốn nhà nước là Vinatex chiếm 33.72%. Vào ngày 5/10/2007, TCM chính thức được niêm yết cổ phiếu và giao dịch lần đầu tiên trên sàn HOSE.


Tại thời điểm đó, TCM là một trong những công ty dệt hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt kim, nhuộm hoàn tất. Theo định hướng, TCM phát triển theo hướng mô hình tập đoàn đa ngành nghề với các nhóm sản phẩm dịch vụ chính như: sản phẩm dệt may, dịch vụ tài chính.... đồng thời tham gia đầu tư vào một số công ty trong những ngành như: bất động sản, ngân hàng, công ty chứng khoán.


Từ năm 2005 đến 2007, TCM đã có bước tăng tưởng khá tốt về lợi nhuận, tăng mạnh từ mức 3.2 tỷ năm 2005 lên đến 74.2 tỷ vào năm 2007. Trong đó, hoạt động kinh doanh chính mảng dệt may của công ty mẹ đóng vai trò chủ đạo khi ghi nhận mức lợi nhuận 71.2 tỷ đồng, trong tổng số lợi nhuận hợp nhất là 74.2 tỷ đồng năm 2007.


Đến cuối năm 2008, TCM đã trở thành một tập đoàn đa ngành bao gồm các công ty con như Công ty cổ phần Thành Chí (69.4%), Công ty cổ phần Thành Tân Tiến (60.69%), Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Sài Gòn – Long An (70%), Công ty Cổ phần phòng khám đa khoa Thành Công (61.07%). Ngoài ra, TCM cũng đầu tư hơn 45 tỷ dài hạn, trong đó đầu tư vào công ty chứng khoán Thành Công là 35 tỷ đồng, và công ty Công ty Cổ phần du lịch Golf Vũng Tàu là 8.25 tỷ đồng.


Sang năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra tại Mỹ sau đó bao trùm lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới, Việt Nam sau khi gia nhập WTO vào năm 2006 cũng đã liên kết sâu rộng với thế giới và cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề trong cuộc đại khủng hoảng này. TCM với mô hình tập đoàn đa ngành đầu tư dàn trải là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn này. Kết quả năm 2008, lợi nhuận hợp nhất đã sụt giảm mạnh rõ rệt hơn 90% về mức 5.2 tỷ đồng, chỉ đạt vỏn vẹn 6.2% so với kế hoạch đề ra.


Gía cổ phiếu TCM cũng theo đó lao dốc mạnh trong thời gian này, từ mức 23,400 đồng ở đầu năm 2008 giảm giảm mạnh về mức giá 3,200 đồng cuối năm 2008, chỉ bằng 23% giá trị sổ sách của công ty vào cuối năm 2008 là 13,889 đồng/ cổ phiếu.


Đầu tư vào TCM thời điểm khủng hoảng, E-Land toan tính gì?


E-Land Asia Holding Singapore là một pháp nhân tại Singapore, trực thuộc tập đoàn E-Land Group, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc. Hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn E-E-Land là sản xuất và phân phối hàng hóa tiêu dùng bao gồm quần áo thời trang, tạp hóa và đồ gia dụng. Các sản phẩm được bán thông qua 5,000 cửa hàng nhượng quyền và 59 cửa hàng thuộc sở hữu của E-Land. Những hệ thống phân phối bán lẻ nổi bật của E-Land có thể kể đến như Kim's Club, NC Department Store, NewCore Outlet, 2001 Outlet, và DongA Department Store.


Trong mảng kinh doanh bán lẻ của E-Land, thì kinh doanh quần áo thời trang là một trong những hoạt động nổi bật khi tập đoàn này sở hữu rất nhiều thương hiệu thời trang như Underwood, Hunt, R.Athletic, Teenie Weenie, Who.A.U, Shane Jeans, So Basic, There's, Coin, C.o.a.x, Prich, G-Star, SPAO, Deco, Ana Capri, Telegraph, XIX, Dia, EnC, 96 New York, A6...Ngoài mảng bán lẻ, E-Land cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản khi sở hữu nhiều nhà hàng và khách sạn đẳng cấp tại Hàn Quốc như Lexington Hotel, Kensington Resort, Kensington Flora Hotel, Ashley, Pizza Mall, Rimini, Cafe Lugo, The Caffe, EWorld Daegu.


Như phân tích ở trên, TCM rõ ràng là một mục tiêu hấp dẫn đối với tập đoàn E-Land vì TCM có kinh nghiệm lâu đời và năng lực trong việc xuất khẩu sản phẩm may mặc sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và EU. Theo đó, có thể cung cấp các sản phẩm may mặc chất lượng cho các nhãn hiệu của E-Land tại Hàn Quốc, giúp tập đoàn này giảm được giá thành và tự chủ về nguồn cung cấp. Thêm vào đó, với kinh nghiệm phát triển bất động sản của mình, E-Land sẽ có thể gia nhập vào thị trường bất động sản đầy tiềm năng của Việt Nam khi TCM cũng đang nắm giữ trong tay nhiều bất động sản tiềm năng như dự án TC1 trên đường Tây Thạnh, Quận Tân Phú với diện tích 9,898 m2, dự án TC3 tọa lạc tại Q4 với diện tích 13,178 m2, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại Phan Thiết với diện tích 102,000 m2.


Có thể thấy rõ điều này khi theo số liệu từ báo cáo thường niên qua các năm và tài liệu công ty công bố, thì E-Land là một trong những khách hàng lớn của TCM với tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu ổn định luôn dao động từ 35%-45%. Ngoài ra, sau khi tham gia vào ban điều hành của TCM vào năm 2009, đầu năm 2010 TCM đã ra thông báo việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 2 đối tác của công ty đó là CTCP Thương mại địa ốc Việt (Vietcomreal) và Công ty Hồng Phúc để triển khai dự án tọa lạc tại Quận 4 với số vốn điều lệ là 50 tỷ, trong đó TCM nắm giữ 55% cổ phần. Tiếp theo đó vào tháng 08 2010, TCM ra thông báo về việc sẽ góp vốn liên doanh với tập đoàn E-Land để triển khai dự án TC1 tại đường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, HCM. Đồng thời công ty cũng thông qua chủ trương vay tập đoàn E-Land 7 triệu USD để thực hiện các công việc liên quan đến quyền sử dụng đất và giải tỏa mặt bằng.


Đẩy mạnh tái cấu trúc, E-Land đang lãi 52%/năm sau 12 năm đầu tư vào TCM


Ngày 29/04/2009, E-Land đã hoàn tất việc mua 10,364,942 cổ phiếu phát hành thêm do TCM phát hành tăng vốn với mức giá 10,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá thị trường đang giao dịch là 6,000 đồng/cổ phiếu, nhưng thấp hơn đáng kể so với giá trị sổ sách của công ty vào cuối Q1/2009 là 14,419 đồng/cổ phiếu. Không bao lâu sau đó, TCM tiếp tục phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu cho E-Land để bổ sung vốn hoạt động vào tháng 11 năm 2009 để nâng vốn điều lệ công ty lên 434 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2009, E-Land đã chi tổng cộng hơn 163 tỷ để năm giữ 39.5% tổng vốn điều lệ của công ty.


Cũng trong năm 2009, TCM cũng thông báo thay đổi Tổng giám đốc mới là ông Lee Eun Hong, được giới thiệu từng nắm giữ vị trí Giám Đốc Đầu Tư Chiến Lược của tập đoàn E-Land Group. Việc thay đổi Tổng giám đốc đã kéo theo hàng loạt các thay đổi nhân sự theo đó. Cụ thể, ông Kim Jung Heon được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc, trong khi đó các nhân sự cao cấp cũ từ nhiệm.


Bên cạnh đó, TCM cũng thực hiện thoái vốn tại một số lĩnh vực ko phải là thế mạnh. Trong năm 2010 TCM đã thoái vốn khỏi Khu công nghiệp Slico, Long An, thu về 45.1 tỷ đồng. Và cũng trong năm này, TCM đã triển khai hệ thống quản lý ERP thành công và tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua chương trình đào tạo thực tập sinh.


Kết quả kinh doanh sau hơn 12 năm nắm giữ, TCM đã có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu tăng từ mức 1,000 tỷ đồng từ năm 2008 lên 3,400 tỷ đồng vào cuối năm 2020, tương ứng với CAGR 10.7%/năm. Lợi nhuận cũng tăng mạnh từ mức 6.2 tỷ năm 2008 lên 276 tỷ đồng vào năm 2020. Mức sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng được cải thiện từ mức 2.3% năm 2008 lên 17.97% năm 2020, trung bình ROE mỗi năm đạt 16.8%.


ROE của TCM qua các năm từ 2008 đến 2020

Nguồn: Vietstock

Hoạt động kinh doanh được cải thiện đáng kể đã giúp cho giá cổ phiếu của TCM tăng mạnh trở lại. Theo thống kê, tổng số tiền E-Land đã bỏ ra để mua cổ phiếu TCM từ năm 2009 đến 2011 là 207 tỷ đồng. Trong suốt quá trình nắm giữ, E-Land đã nhận về tổng cộng 192.7 tỷ cổ tức tiền mặt và hơn 8 triệu cổ phiếu thưởng. Theo tính toán, giá vốn bình quân chỉ còn 515 đồng/cổ phiếu. Tính đến tại thời điểm 04/02/2020 thì giá cổ phiếu của TCM đóng cửa tại mức 77,000 cổ phiếu, như vậy E-Land lãi gần 150 lần sau 12 năm đầu tư, tương đương với mức lợi nhuận kép 52%/năm.


Trong thời gian từ tháng 01 và 02 đầu năm mới 2021, giá cổ phiếu của TCM có biến động mạnh khi TCM tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất sau thuế kỷ lục cao nhất từ năm 2008 với 275 tỷ đồng. Thêm vào đó, việc Biden thắng cử Tổng Thống cũng giúp gia tăng hy vọng Mỹ sẽ tham gia vào hiệp định CTPP, và mang lại nhiều lợi thế cho ngành Dệt May nói chung và TCM nói riêng. Ngoài ra, các dự án bất động sản của TCM hiện vẫn đang chưa được triển khai mạnh mẽ, cơ hội khai thác các dự án này sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các cổ đông của TCM trong dài hạn.


Biến động gía cổ phiếu TCM theo tuần từ 2008 đến năm 2020

Nguồn: Vietstock



Author (Tác giả)


Huỳnh Nhật Trình

Founder, Blog Trên Đỉnh Phố Wall

Thông tin tác giả xem thêm tại đây

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Commenting has been turned off.
bottom of page