top of page
Ảnh của tác giảHuynh Nhat Trinh

Mất bao lâu để hoàn tất một thương vụ Mua Bán Sáp Nhập (M&A)?

Đã cập nhật: 20 thg 2, 2023

Một trong những câu hỏi mà các chủ doanh nghiệp muốn biết đó là mất bao lâu để có thể hoàn tất việc bán lại công ty của họ. Thông thường thì quá trình này sẽ diễn ra ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, có những phi vụ chỉ thực hiện trong vài tháng, trong khi đó có những giao dịch kéo dài đến nhiều năm. Vậy đâu là những yếu tố tác động đến thời gian và sự thành công của một phi vụ mua bán sáp nhập?


1. Lợi nhuận và dòng tiền (Net Income & Free Cash Flow)


Những công ty hoạt động lâu năm, có lợi nhuận bền vững (Stable Profit) hoặc đang tăng trưởng mạnh qua các năm sẽ là một trong những mục tiêu mà hầu hết các nhà đầu tư đều mong muốn có được. Ngoài ra, doanh thu (Revenue) của doanh nghiệp càng lớn thường sẽ chiếm giữ thị phần lớn, chiếm hữu nhiều lợi thế cạnh tranh hơn và do đó luôn được các nhà đầu tư ưu tiên xem xét trước các công ty mục tiêu quy mô nhỏ hơn.


Một lưu ý đó là đối với các doanh nghiệp sở hữu bởi gia đình thì việc hoạch toán lợi nhuận sẽ chưa được phản ảnh đầy đủ vì thường bỏ qua các chi phí lương, phúc lợi và các chi phí khác liên quan đến việc quản lý của chủ doanh nghiệp và thành viên trong gia đình. Do đó, lợi nhuận cần được tính toán và bao gồm cả các chi phí liên quan đến chủ doanh nghiệp để phản ánh chính xác về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.


Ngoài yếu tố lợi nhuận, thì dòng tiền tự do của công ty cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính như nợ vay ngân hàng hoặc trái phiếu để tài trợ cho các thương vụ mua lại doanh nghiệp này. Do đó, các doanh nghiệp có dòng tiền ổn định sẽ được nhiều nhà đầu tư này ưa thích hơn các mục tiêu còn lại. Các chỉ số đo lường dòng tiền hay được các nhà đầu tư này sử dụng như EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), FCFF (Dòng tiền tự do của công ty), FCFE (Dòng tiền tự do của cổ đông)


2. Định giá doanh nghiệp (Valuation)


Định giá doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định thành công hoặc thất bại của một thương vụ. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp tốt nhưng được định giá quá cao sẽ khiến cho mức sinh lợi của các nhà đầu tư sau khi mua lại không còn nhiều và không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, việc nắm rõ các phương pháp định giá mà các nhà đầu tư thường sử dụng sẽ giúp cho việc xác định giá trị của doanh nghiệp trở nên thực tế hơn và qua đó nâng cao khả năng thành công.


Có nhiều phương pháp để định giá một doanh nghiệp bao gồm ba phương pháp định giá chính: (1) Phương pháp so sánh thị trường (Comparable analysis) (2) Phương pháp phân tích các giao dịch M&A tương tự diễn ra trước đó (Precedent transaction analysis) (3) Phương pháp chiếu khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow).


2.1 Phương pháp so sánh là một phương pháp định giá tương đối, trong đó so sánh giá trị hiện tại của một doanh nghiệp với các doanh nghiệp tương tự khác trong cùng một ngành và đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bằng cách xem giao dịch bội số như P/E, P/B và EV / EBITDA hoặc các tỷ lệ khác, có thể xác định được mức định giá tương đối của doanh nghiệp đang muốn bán. Bội số của EBITDA là phương pháp định giá phổ biến nhất đối với các giao dịch M&A. Phương pháp định giá so sánh là cách tiếp cận được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, vì chúng dễ tính toán và luôn cập nhật theo thị trường. Logic của phương pháp này đó là nếu công ty X giao dịch với tỷ lệ P/E 10 lần và công ty Y có thu nhập là 2,500 VND trên mỗi cổ phiếu, thì cổ phiếu của công ty Y phải trị giá 25,000 VND cho mỗi cổ phiếu (giả sử các công ty có các thuộc tính tương tự).


2.2 Phương pháp phân tích các giao dịch M&A đã diễn ra trước đó là một dạng khác của phương pháp so sánh. Trong đó chúng ta so sánh công ty mục tiêu với các doanh nghiệp khác gần đây đã được bán hoặc mua lại trong cùng ngành. Phương pháp này gặp một vài bất lợi đó là việc thu thập các giao dịch M&A trong cùng một ngành thường sẽ gặp nhiều trở ngại do thông tin không được công khai và việc sử dụng các dữ liệu cũ của các năm trước đó sẽ có thể làm việc định giá không còn chính xác theo giá trị thị trường hiện tại. Do đó, phương pháp này thường được ít sử dụng.


2.3 Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) là một trong những phương pháp phức tạp và đòi hỏi sự am hiểu cặn kẽ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để lập các giả định trong tương lại. Logic của phương pháp này đó là giá trị của doanh nghiệp hiện tại sẽ được xác định bằng tổng giá trị chiết khấu của dòng tiền tự do (free cash flow) mà doanh nghiệp đó sẽ tạo ra trong tương lai.


Phân tích DCF được thực hiện bằng cách xây dựng một mô hình tài chính trong Excel và yêu cầu nhiều chi tiết và phân tích. Đây là cách tiếp cận chi tiết nhất trong ba cách tiếp cận và đòi hỏi nhiều ước tính và giả định nhất. Tuy nhiên, nỗ lực cần thiết để chuẩn bị một mô hình DCF cũng sẽ thường dẫn đến việc định giá chính xác nhất. Mô hình DCF cho phép nhà phân tích dự báo giá trị dựa trên các tình huống khác nhau và thậm chí thực hiện phân tích độ nhạy.



3. Các yếu tố khác


Ngoài các yếu tố về lợi nhuận, dòng tiền và định giá, một số yếu tố khác như ngành nghề, quy định pháp luật...cũng ảnh hưởng đến sự thành công của một thương vụ. Tại một số thời điểm, một số ngành nghề đang "hot" sẽ được nhiều nhà đầu tư săn lùng hơn một số ngành nghề khác (ví dụ như năng lượng tái tạo...). Thêm vào đó, quy định pháp luật như cho phép tư nhân hóa các lĩnh vực nhà nước đang thực hiện cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc luân chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực này.


Author (Tác giả)


Huỳnh Nhật Trình

Founder, Blog Trên Đỉnh Phố Wall

Thông tin tác giả xem thêm tại đây



1.142 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント

5つ星のうち0と評価されています。
まだ評価がありません

コメント機能がオフになっています。
bottom of page