top of page
Ảnh của tác giảHuynh Nhat Trinh

Khóa room ngoại, đừng để mất bò mới lo làm chuồng


Gần đây xuất hiện thông tin liên quan đến việc tranh cãi giữa ngân hàng Sacombank và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank đã được nới lên thành 30% thay vì mức 23,63%. Theo như phía Sacombank, thì việc VSD tự động nới room ngoại khi không nhận được yêu cầu của phía ngân hàng đã khiến cho Sacombank chịu nhiều thiệt hại, làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời.


Tuy nhiên, phía VSD đã có phản hồi và xác nhận là tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Sacombank là 30% và tỷ lệ này dựa trên các căn cứ như hồ sơ của Sacombank tại công văn số 11/2014/CV-HĐQT ngày 26/2/2014 và công văn số 16/2014/CV-HĐQT ngày 11/3/2014, trong đó đề nghị mở lại tỷ lệ cổ phần sở hữu cổ phiếu STB cho cổ đông nước ngoài về mức 30% vốn điều lệ của Sacombank. Ngoài ra là công văn số 829/UBCK-PTTT ngày 4/3/2014 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo về việc giải toả tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài của Sacombank; VSD cũng cho biết giới hạn tỉ lệ room ngoại tại Sacombank là 30% cũng căn cứ vào quy định pháp luật về ngân hàng và pháp luật chứng khoán.


Việc khóa room ngoại trong bối cảnh hiện nay khá quan trọng đối với các ngân hàng, vì theo quy định thì room ngoại đối với các ngân hàng chỉ ở mức tối đa là 30%. Do đó, đối với các ngân hàng tốt, thì room ngoại dường như đã bị lấp đầy. Do đó, trong trường hợp ngân hàng muốn chào bán cho một đối tác chiến lược phù hợp với định hướng của ngân hàng thì nhà đầu tư này lại không thể tham gia do không còn room ngoại hoặc room ngoại khá ít so với yêu cầu của nhà đầu tư.


Câu chuyện giữa Sacombank và VSD ai đúng ai sai sẽ chưa được phân tích trong phạm vi bài viết này vì cần thêm thông tin chi tiết để xác định. Tuy nhiên, có những lưu ý nào để tránh việc rơi vào tình huống gây tranh cãi như Sacombank?


Giao thoa quy định mới và quy định cũ


Theo quy định tại khoản 2 điều 141 của Nghị định 155 hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, thì công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Nghị định này. Điều này cũng có nghĩa là các công ty đại chúng phải thực hiện xác định lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định kể từ thời điểm 01/01/2021.


Điều 141. Trách nhiệm thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của công ty đại chúng
1. Công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
2. Công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Nghị định này.
3. Trường hợp công ty đại chúng chưa thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Điều 142 Nghị định này, công ty phải thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trước khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, chuyển niêm yết, đăng ký giao dịch, chào bán, phát hành chứng khoán, cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Theo khoản 3 điều 141, thì trường hợp công ty đại chúng chưa thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Điều 142 Nghị định này, công ty phải thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trước khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, chuyển niêm yết, đăng ký giao dịch, chào bán, phát hành chứng khoán, cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.


Đối với trường hợp các công ty đại chúng chưa thực hiện đăng ký tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, thì room ngoại vẫn giữ nguyên như mức mà công ty đã đăng ký trước đó theo quy định của Luật chứng khoán cũ. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ nhận thức được việc phải thực hiện đăng ký lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi thực hiện hồ sơ chào bán, phát hành chứng khoán cho các đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Và việc không thực hiện đăng ký lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình huống dở khóc dở cười.

Cụ thể, theo quy định cũ, công ty đã đăng ký tỷ lệ sở hữu tối đa là 50%, tuy nhiên trong quá trình hoạt động công ty đã thêm rất nhiều ngành nghề kinh doanh mới và theo quy định mới theo luật chứng khoán thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa mới là 0%. Điều này có nghĩa là công ty không được phép chào bán cho các đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài.


Đáng chú ý đó là hầu hết các công ty có nhu cầu huy động vốn đã không nhận thức được quy định trên và cũng không thực hiện xác định lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Do đó, khi công ty đã thỏa thuận xong với các nhà đầu tư nước ngoài về các điều khoản đầu tư và thực hiện nộp hồ sơ chào bán lên Ủy ban chứng khoán nhà nước để xin chấp thuận thì lại bị UBCKNN yêu cầu thực hiện thủ tục xác định tỷ lệ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định trước khi chấp thuận hồ sơ chào bán. Và khi thực hiện xác định lại, thì đối tác nước ngoài lại không được phép tham giao vào đợt chào bán khi bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu.


Mặc dù việc nới room có thể được thực hiện sau đó bằng cách gỡ bỏ các ngành nghề gây giới hạn tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, việc này việc này cần phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và việc tổ chức đại hội hoặc xin ý kiến bằng văn bản sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong trường hợp nếu như doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu vốn hoặc mất cân đối, thì những vấn đề vướng mắc thủ tục như thế này sẽ khiến cho doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại và cũng thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư.


Trong trường hợp đăng ký tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định mới thấp hơn hiện tại và các nhà đầu nước ngoài đang nắm giữ quá tỷ lệ cho phép thì sẽ xử lý như thế nào?


Theo quy định tại khoản 5, điều 139 của Nghị định 155 thì trong trường hợp công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá tỷ lệ quy định thì các nhà đầu tư nước ngoài không bị bắt buộc phải bán ra số cổ phần đang nắm giữ bị vượt, mà chỉ không được mua thêm cổ phiếu mới ngoại trừ nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.


Hay nói cách khác, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép bán ra chứ không được phép mua vào cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty về dưới mức quy định cho phép. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu vì lúc này một lượng lớn nhu cầu mua cổ phiếu từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được phép thực hiện giao dịch, thậm chí còn chịu lực bán ra bởi các nhà đầu tư này khi room ngoại thấp hơn mức họ kỳ vọng.


Điều 139. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam
5. Trường hợp công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều này, công ty đại chúng phải bảo đảm không làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty. Trường hợp pháp luật liên quan không có quy định khác, các cổ đông của công ty đại chúng là nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ chỉ được phép bán ra cổ phiếu cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này, ngoại trừ việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

Huỳnh Nhật Trình

Chuyên gia tư vấn đầu tư, tài chính doanh nghiệp

Email: nhattrinh_tn3@yahoo.com.vn

Thông tin tác giả xem thêm tại đây


425 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Commenting has been turned off.
bottom of page