Dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp hoặc còn được biết đến với cái tên khác đó là dịch vụ Ngân hàng đầu tư đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường tài chính Việt Nam và trở thành một trong những dịch vụ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu huy động vốn, bán vốn hoặc tìm kiếm đối tác chiến lược để củng cố vị thế cạnh tranh.
I. NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ LÀ GÌ VÀ TẠI SAO DOANH NGHIỆP LẠI CẦN ĐẾN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ?
Trước tiên, khi nghe đến cái tên "Ngân Hàng Đầu Tư", hầu hết mọi người sẽ liên tưởng đến "Ngân Hàng Thương Mại" và thắc mắc sự khác biệt giữa 2 loại hình ngân hàng này là thế nào?
Ngân Hàng Thương Mại là nghiệp vụ có lịch sử lâu đời và được triển khai trước nghiệp vụ Ngân hàng đầu tư. Đây là hình thức mà những người có nguồn tiền nhàn rỗi có thể gửi tiền vào Ngân Hàng để các các Ngân Hàng đại diện cho những người gửi tiền cho những người có nhu cầu thực hiện vay tiền. Với nguồn lực lớn của mình, các ngân hàng này có thể tìm kiếm các cơ hội cho vay, đánh giá mức độ rủi ro bởi các chuyên gia và thực hiện quản trị rủi ro của các khoản cho vay để đảm bảo khả năng không mất vốn. Khi cho vay, thì các Ngân hàng này sẽ thu về một khoản phí được gọi là "lãi suất cho vay" từ những người vay tiền, và đây chính là nguồn doanh thu chính của các Ngân hàng. Ngân hàng sẽ trả cho những người gửi tiền một khoản thu nhập được gọi là "lãi suất tiền gửi" vì đã cho vay vốn của họ thông qua Ngân hàng. Các Ngân hàng này giữ lại một khoản chênh lệch sau khi chi trả lãi suất tiền gửi cho người gửi tiền, khoản chênh lệch này được gọi là biên độ lãi ròng ("NIM"), đây chính là doanh thu giữ lại của Ngân hàng.
Chính vì hầu hết lượng tiền mà Ngân Hàng sử dụng để cho vay đều được huy động từ người dân trong xã hội, do đó toàn bộ hoạt động của Ngân Hàng đều được quản lý bởi tất cả Chính Phủ của các nước trên thế giới để tránh việc lạm dụng tiền gửi và hoạt động cho vay rủi ro cao sẽ để lại hậu quả lớn cho xã hội. Như vậy, có thể thấy, hoạt động của Ngân Hàng thương mại là nghiệp vụ được yêu cầu quản trị rủi ro rất cao và bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật của Ngân hàng nhà nước. Theo đó, những đầu tư mang tính rủi ro cao sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng thương mại. Vậy, những dự án rủi ro này sẽ huy động vốn từ đâu?
Đây chính là vai trò của Bộ phận Ngân hàng đầu tư (Investment Banking Department - IBD). Các bộ phận Ngân hàng đầu tư được thành lập với mục đích để kết nối giữa các nhà đầu tư với các dự án có độ rủi ro cao, giúp các chủ đầu tư của các dự án này có thể huy động được đủ nguồn vốn để thực hiện dự án. Như vậy, có thể thấy Ngân hàng đầu tư và Ngân hàng thương mại phục vụ cho 2 đối tượng nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro khác nhau. Ngoài ra, các Ngân hàng đầu tư không thể thực hiện nghiệp vụ nhận "tiền gửi" như các Ngân hàng thương mại, mà thay vào đó để huy động tài chính cho các dự án thì các Ngân Hàng Đầu Tư thường phải tìm kiếm các nhà đầu tư thông qua mạng lưới của mình. Hiện nay các nghiệp vụ Ngân hàng đầu tư của Việt Nam chủ yếu được triển khai tại các công ty chứng khoán và chịu sự quản lý của Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN).
Có thể thấy, vai trò của IBD được thể hiện qua việc là cầu nối giữa các nhà đầu tư và chủ các dự án đầu tư có mức độ rủi ro cao. Vậy để thực hiện vai trò thu xếp vốn thì các Ngân hàng đầu tư sẽ triển khai các nghiệp vụ gì?
II. CÁC NGHIỆP VỤ TƯ VẤN ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP
Các nghiệp vụ của Ngân hàng đầu tư cụ thể bao gồm như sau:
Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO): Đây là nghiệp vụ cơ bản được triển khai ở hầu hết tất cả các Ngân hàng đầu tư trên thế giới. Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về các tiêu chí tài chính, quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin từ UBCK Nhà Nước. Mục đích của các yêu cầu này là để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Theo đó, khi các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí này sẽ phần nào cho thấy phần nào chất lượng của công ty, ngoài ra việc cổ phiếu được niêm yết sẽ khiến cho việc mua bán cổ phiếu trở nên dễ dàng và qua đó dễ thu hút vốn từ các nhà đầu tư để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nhiệm vụ chính của các Ngân hàng đầu tư đó là tư vấn cho các doanh nghiệp để làm hồ sơ đủ điều kiện phát hành ra công chúng và giúp doanh nghiệp huy động vốn thông qua việc IPO bằng hình thức bảo lãnh phát hành chứng khoán để huy động vốn cho doanh nghiệp.
Phát hành riêng lẻ (Private Placement): Đây cũng là nghiệp vụ được triển khai tại hầu hết các Ngân hàng đầu tư, nghiệp vụ này cũng giúp cho các công ty có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tùy theo loại hình doanh nghiệp là đại chúng hoặc chưa đại chúng, mà các loại đầu tư được phép huy động sẽ khác nhau. Cụ thể, đối với công ty đại chúng thì chỉ được phép phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, các công ty chưa đại chúng thì được phép phát hành để huy động các nhà đầu tư (không bị hạn chế phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc chiến lược) với số lượng không được vượt quá 100 nhà đầu tư và không được quảng bá trên các phương tiện truyền thông (Tham khảo thêm tại Luật chứng khoán 2019 và Luật doanh nghiệp 2020)
Tư vấn tài chính (Financial Advisory): Bên cạnh 2 nghiệp vụ phổ biến trên, các Ngân hàng đầu tư còn cung cấp các dịch vụ khác như Mua Bán Sáp Nhập (M&A). Nghiệp này này giúp cho các doanh nghiệp có thể tìm kiếm giải pháp tăng trưởng trong tương lai bằng cách thâu tóm đối thủ để gia tăng thị phần hoặc thâu tóm các công ty trong chuỗi giá trị để nâng cao vị thế cạnh tranh.
Author (Tác giả)
Founder, Blog Trên Đỉnh Phố Wall
Thông tin tác giả xem thêm tại đây
Comments