APAX Holding là một công ty niêm yết trên sàn HOSE, mã chứng khoán là IBC. Hiện nay, công ty đang vướng vào những sự kiện không mấy lạc quan khi rất nhiều trung tâm anh ngữ APAX của công ty này đã ngưng hoạt động và công ty cũng không thể hoàn trả lại học phí cho các phụ huynh đã đóng tiền trước đó. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về tình hình tài chính và sức khỏe của công ty.
Đối với mô hình kinh doanh giáo dục, hầu hết các phụ huynh học sinh đều phải đóng học phí một lần đầy đủ trước khi khóa học diễn ra, trong khi đó các chi phí thì sẽ được chi trả hoặc phân bổ trong suốt thời gian diễn ra khóa học. Điều này giúp cho các công ty giáo dục luôn có một vị thế tài chính rất tốt về thanh khoản và dòng tiền. Mô hình kinh doanh giáo dục nếu như hoạt động một cách hiệu quả và bền vững, thì dường như các công ty giáo dục rất ít khi rơi vào trạng thái căng dòng tiền.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý 4 năm 2022 của APAX, khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (học phí ứng trước) chỉ vọn vẹn có 102 tỷ đồng, trong khi đó lượng tiền mặt và tương đương tiền của công ty là tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 736 tỷ đồng. Vậy tại sao APAX lại không thể thực hiện việc tiếp tục dạy học tại các trung tâm anh Ngữ và trả lại tiền cho phụ huy học sinh?
Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên chúng ta sẽ phân tích nguồn tiền mặt hiện tại của APAX đến chủ yếu từ đâu. Theo báo cáo tài chính kiểm toán từ năm 2018 đến 2022, lượng tiền mặt của APAX tăng lên qua các năm chủ yếu đến từ việc tăng sử dụng vốn vay của ngân hàng, chứ không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, từ 2018 đến 2022, tổng số tiền sản sinh ra từ hoạt động kinh doanh là âm 101 tỷ đồng, và tổng số tiền sản sinh từ hoạt động đầu tư là âm hơn 1.569 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền mà công ty đã vay thêm trong 5 năm qua là hơn 2.135 tỷ đồng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty.
Bảng lưu chuyển tiền tệ thu gọn của APAX trong 5 năm từ 2018 đến 2022 (Đơn vị: Tỷ đồng)
(Nguồn: BCTC công ty)
Có thể thấy hoạt động kinh doanh sẽ không cần quá nhiều tiền nhưng công ty lại đang vay một lượng lớn tiền qua các năm, vậy công ty vay tiền để làm gì?
Theo như BCTC kiểm toán từ năm 2018 đến năm 2021, công ty đã tăng cường đầu tư vào các quỹ đất phục vụ cho việc mở rộng mạng lưới và nhà công vụ. Cụ thể, trong năm 2019 công ty đã ghi nhận quyền sử dụng đất tăng gần 198 tỷ đồng. Thêm vào đó, công ty cũng đầu tư vào nhà cửa vật kiến trúc khi tăng hơn 399 tỷ đồng trong năm 2019. Tổng cộng trong năm 2019, công ty đã chi 643 tỷ đồng để mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
Bênh cạnh các khoản đầu tư trên, heo như thuyết minh BCTC soát xét 6 tháng 2022, công ty đang có khoản đầu tư vào dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng tại địa chỉ khu kinh tế Vũng Án, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Công ty đã đầu tư một khoản 423.4 tỷ đồng theo hình thức hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Nam Phong Land.
Ngoài ra, công ty còn có một khoản đầu tư lớn khác vào dự án Khu du lịch trải nghiệm giáo dục sinh thái ECOPAX tại Thôn Làng Muốt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Tổng số tiền công ty đã đầu tư tính đến thời điểm 30/06/2022 là hơn 798 tỷ đồng thông qua hình thức hợp tác kinh doanh với CTCP Trải Nghiệm Giáo Dục Sinh Thái Lam Sơn.
Mất cân đối tài chính trong ngắn hạn
Theo như báo cáo tài chính quý 4/2022, tổng tài sản ngắn hạn của công ty là 2.462 tỷ đồng (đã bao gồm lượng tiền mặt 736 tỷ đồng), trong khi đó tổng nợ phải trả ngắn hạn của công ty là 1.763 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý đó là mục phải thu ngắn hạn khác đang chiếm gần tới 52% tổng giá trị tài sản ngắn hạn. Mặc dù trong BCTC quý 4/2022 không có thuyết minh báo cáo tài chính, tuy nhiên theo BCTC hợp nhất soát xét quý 2 năm 2022 thì công ty đang có 2 khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn rất lớn đó là chính là khoản phải thu đối với CTCP Nam Phong Land và CTCP Trải Nghiệm Giáo Dục Sinh Thái Lam Sơn nói trên. Do đó, nhiều khả năng công ty đã thực hiện kết chuyển khoản phải thu dài hạn của CTCP Trải Nghiệm Giáo Dục Sinh Thái Lam Sơn từ phải thu dài hạn sang phải thu ngắn hạn vào cuối năm 2022 và điều này khiến cho khoản phải thu ngắn hạn tại 31/12/2022 tăng tăng đột biến so với 30/06/2022.
Mặc dù khoản đầu tư vào 2 dự án này được hoạch toán vào tài sản ngắn hạn, nhưng việc thu hồi các khoản đầu tư này trong ngắn hạn là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, do đó nếu loại trừ khoản phải thu của 2 dự án này, thì tổng tài sản ngắn hạn của công ty chỉ còn lại 1.240 tỷ đồng, hụt hơn 523 tỷ đồng so với tổng khoản nợ phải trả ngắn hạn là 1.763 tỷ đồng và điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty đã mất cân đối tài chính trong ngắn hạn. Hay nói một cách khác, tổng tài sản có thanh khoản trong ngắn hạn không thể dùng để chi trả hoặc thanh toán các nghĩa vụ phải trả trong ngắn hạn.
Trích dẫn thuyết minh khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khác của công ty tại BCTC soát xét hợp nhất 6 tháng 2022
APAX phải đối mặt với các khoản vay nào chuẩn bị đến hạn tiếp theo trong năm 2023?
Ngoài việc đang mất cân đối tài chính ngắn hạn hơn 522 tỷ đồng nói trên, công ty còn phải đối mặt với các khoản vay trái phiếu đến hạn. Cụ thể, lượng trái phiếu mã IGECH2124001 và IGARTEN_BOND 2020 với giá trị hơn 135 tỷ đồng sẽ đến hạn phải trả vào ngày 31/12/2023. Thêm vào đó, một lượng trái phiếu mã AECH2123001 giá trị 200 tỷ đồng sẽ đến hạn phải trả vào ngày 23/01/2023 và lượng trái phiếu phát hành theo mệnh giá với giá trị 300 tỷ đồng cũng sẽ đến hạn vào ngày 21/12/2023.
Như vậy, trong năm 2023, công ty sẽ phải thu xếp một khoản tiền là 635 tỷ đồng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Việc này sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân đối tài chính mà công ty đang phải đối mặt.
Việc tái cấu trúc các trung tâm anh ngữ APAX có giúp cho công ty vượt quá khó khăn?
Theo như công văn của APAX gửi cho HOSE giải trình về các vấn đề liên quan tới hoạt động của các công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English, Apax Leaders) vào ngày 17/02/2023, IBC cho biết sẽ tiến hành kế hoạch tái cấu trúc chung trên toàn hệ thống kể từ ngày 25/11/2022 và dự kiến cơ bản xong trong quý 1/2023. Một số trung tâm đặc thù có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Tuy nhiên, theo phân tích ở trên, việc thanh khoản của công ty gặp vấn đề chủ yếu đến từ việc đầu tư vào 2 dự án tại Hà Tĩnh và Thanh Hóa với tổng số tiền đã đầu tư là hơn 1.222 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng sắp tới công ty phải tính toán đến việc thoái vốn hoặc tái cấu trúc lại các khoản đầu tư này một cách hợp lý để thu hồi vốn hoặc tạo ra dòng tiền chi trả các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn.
Để theo dõi các bài viết tiếp theo của tác giả, vui lòng đăng ký email nhận bài viết.
Huỳnh Nhật Trình
Thông tin tác giả xem thêm tại đây
Comments